English Vietnamese
Trang chủ / Thông tin tổ chức / Mục tiêu chiến lược /

Mục tiêu chiến lược của Hội Y tế Công cộng Việt Nam

Định hướng hoạt động giai đoạn 2017-2022

         Hướng tới mục tiêu Hội Y tế công cộng Việt Nam trở thành mạng lưới về xã hội và thực hành xuất sắc về YTCC nhằm tăng cường sức khoẻ nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ chung cho nhiệm kì 2017-2022 Hội Y tế công cộng Việt Nam là Kết nối và củng cố các trung tâm nghiên cứu và triển khai các mô hình can thiệp thí điểm ở 3 vùng đại diện của Việt Nam để tạo ra các nguồn vốn xã hội, tri thức và thực hành về YTCC nhằm mục đích nhân lên rộng rãi trong phạm vi toàn quốc.

 

1. Vận động chính sách dựa trên bằng chứng khoa học:

         Vận động chính sách là chức năng cơ bản, không thay đổi của Hội Y tế công cộng Việt Nam. Quan điểm phát triển của công tác Vận động chính sách của Hội là nhằm giúp ích nhiều nhất cho các nhóm đích đặc thù thông qua việc phát hiện, thông báo và cung cấp giải pháp cho chính phủ đối với những nhóm đặc thù đó.

         Hoạt động vận động chính sách được xác định không chỉ đơn thuần là vận động ủng hộ việc ban hành các chính sách tốt, mà cần có sự can thiệp, lên tiếng và cung cấp bằng chứng ngăn cản các chính sách không phù hợp với mục tiêu phát triển trong lĩnh vực Y tế.

         Cùng với việc tăng cường phát triển mạng lưới và tiếng nói của các tỉnh Hội và chi Hội tại các cấp chính quyền; Mở rộng quan hệ và liên kết với các đối tác có chung tầm nhìn và lĩnh vực; Hội Y tế công cộng Việt Nam kì vọng tạo ra nguồn sức mạnh tổng hợp, trở thành một đơn vị có uy tín trong việc đề xuất, vận động ban hành và thực thi các chính sách thiết thực, hiểu quả  nhằm nâng cao và bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân.

 

2. Xây dựng mô hình thực hành y tế công cộng

         Tiến hành hợp tác nghiên cứu đưa ra bằng chứng để khống chế các vấn đề YTCC ưu tiên mà Hội quan tâm và phù hợp với từng tỉnh Hội ở từng vùng và toàn quốc. Ví dụ: tỉnh Hội Đồng Tháp có chiến lược phát triển trung tâm nghiên cứu (hệ thống): khai thác nguồn lực, gắn kết với Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp) về vấn đề sức khoẻ biên giới

         Xây dựng cơ sở dữ liệu các vấn đề YTCC ưu tiên: Lập danh sách các chuyên gia, nghiên cứu. Ví dụ: Ai làm trong lĩnh vực NCT, các nghiên cứu của họ tiến hành và ai có thể liên kết theo sự điều phối của Hội để đi theo định hướng nào lúc cần thông tin thì sẽ biết ngay trong mạng lưới này…

         Trình bày, Quảng bá, giới thiệu các mô hình tốt thông qua mạng lưới huy động sự tham gia của các cơ quan chính phủ áp dụng, triển khai mô hình trên qui mô lớn.

         Xây dựng diễn đàn cho việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động YTCC và chia sẻ kiến thức: gặp mặt trực tiếp hoặc qua video…

         Cũng từ những mô hình này các kết quả, các khuyến nghị của nghiên cứu được đưa vào xây dựng hình thành các văn bản qui phạm pháp luật và các chính sách có tính thực tiễn cao áp dụng trên toàn quốc.

 

3. Tạp chí y tế công cộng

  • Nâng cao chất lượng tạp chí tiến tới được công nhân tạp chí đạt tiêu chuẩn Khu vực. Phấn đấu tạp chí sớm nằm trong danh sách hệ thống Tạp chí quốc tế Medline.
  • Tăng số lượng bài báo khoa học gửi đến Tạp chí thông qua các biện pháp truyền thông phù hợp
  • Liên tục hoàn thiện các qui trình nhận bài, phản biện kín, phản hồi với tác giả, bình duyệt, in ấn.
  • Duy trì, phát triển trang web Tạp chí tiện ích, thân thiện.
  • Thường xuyên tăng cường năng lực đội ngũ thư kí, biên tập, trợ lí tòa soạn.

 

4. Trung tâm đào tạo nghiên cứu:

         Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Y tế Công cộng vận hành dựa trên nguyên tắc mạng lưới chuyên gia từ các đơn vị trong cả nước và quốc tế về các lĩnh vực ưu tiên của Hôi Y tê Công cộng Việt Nam. Các chuyên gia sẽ được mời tham gia trực tiếp vào các nghiên cứu, xây dựng chương trình hoặc các khóa tập huấn cho các đối tượng cụ thể trong các trường hợp cần thiết.

         Những tài liệu nghiên cứu, đào tạo sẽ được lưu giữ, cập nhật, chia sẻ và áp dụng rộng rãi đặc biệt là các chương trình can thiệp y tế công cộng.

         Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Y tế Công cộng sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ các hoạt động của 3 thực địa đại diện tại 3 miền Bắc – Trung – Nam và ngược lại, trung tâm cũng sẽ chịu trách nhiệm vận hành 3 thực địa này theo những thiết kế đặc thù cho các vấn đề can thiệp đặc thù được lựa chọn, có thể thông qua việc xây dựng các mô hình can thiệp.

         Ý tưởng thành lập trung tâm này là trực tiếp tiến hành nghiên cứu và đào tạo phục vụ những nhiệm vụ của hệ thống Hội.