Ảnh hưởng của thuốc lá tới chức năng phổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 Thứ Hai, 30/03/2020

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có 250 chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và 69 tác nhân gây ung thư cho con người[1]. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, việc hút thuốc lá và hít/ngửi phải khói thuốc lá đều có thể gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người hút thuốc lá và người hút thuốc thụ động, và không có mức tiếp xúc nào với khói thuốc lá được cho là an toàn đối với sức khỏe của người không hút thuốc lá[2].
Trong những ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe con người, việc gây suy giảm chức năng phổi ở người hút và người không hút là một trong những ảnh hưởng rõ rệt. Trong cơ thể con người, phổi có vai trò chính yếu là trao đổi các chất khí: đưa ô xy từ không khí vào tĩnh mạch phổi và đi – ô – xít các bon từ động mạch phổi ra ngoài, giúp cho cơ thể duy trì hoạt động sống. Ngoài ra, phổi còn có chức năng giúp chuyển hóa một vài chất sinh hóa, lọc một số độc tố trong cơ thể[3]. Suy giảm chức năng phổi có liên quan chặt chẽ tới nguy cơ gia tăng tỉ lệ tử vong trong quần thể[4], ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chức năng phổi ở những người hiện đang hút thuốc lá bị suy giảm rõ rệt so với những người không hút[5],[6]. và gây ra nhiều bệnh đường hô hấp[6]. Việc hút thuốc lá cũng làm suy giảm hệ miễn dịch ở người hút, làm cho họ trở nên mẫn cảm hơn với nhiều bệnh truyền nhiễm[7]. Kể cả ở những người đã bỏ thuốc lá hoặc những người hút ít, chức năng phổi của họ vẫn kém hơn so với người không bao giờ hút thuốc lá[8], tuy nhiên,
việc bỏ thuốc lá vẫn được khuyến khích thực hiện bởi bỏ thuốc lá có tác dụng tích cực trong việc làm giảm sự suy giảm chức năng phổi so với những người đang hút thuốc lá[4].
Đối với trẻ em, việc phơi nhiễm với khói thuốc lá trong thời kỳ bào thai do người mẹ mang thai hút thuốc là nguyên nhân làm suy giảm chức năng phổi ở trẻ. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm với khói thuốc lá sau sinh cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm chức năng phổi ở trẻ[1], kể cả khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên[9].
Như vậy, với những bằng chứng đã nêu, rõ ràng là việc hút thuốc lá cũng như phơi nhiễm với khói thuốc lá có ảnh hưởng xấu tới chức năng phổi và làm cho người hút thuốc trở nên mẫn cảm hơn với các bệnh truyền nhiễm. Với đại dịch Covid-19, tính đến 20.30 ngày 31/3/2020, trên toàn thế giới đã có 803.011 người mắc, 39.025 người tử vong[10]. Tại Việt Nam đã có 207 trường hợp mắc Covid-19, chưa có ca tử vong. Trong số những bệnh nhân mắc Covid-19, những bằng chứng ban đầu về mối liên quan giữa những người hiện đang hút thuốc lá và đã cai thuốc lá với mức độ trầm trọng, nguy cơ cần thở máy, nguy cơ tử vong do Covid-19 đã được đề cập và bàn luận. Mặc dù vẫn cần có thêm nghiên cứu để làm rõ, nhưng hút thuốc lá đã được khẳng định là có liên quan tới sự tiến triển cũng như mức độ trầm trọng của bệnh Covid-19[11]. Những người hút thuốc lá có nguy cơ gặp các triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 cao hơn 1,4 lần; và có nguy cơ phải nằm trong phòng điều trị tích cực, phải thở máy hoặc tử vong cao hơn 2,4 lần so với người không hút[12].
Hãy lắng nghe bệnh nhân Covid-19 (chị Tara Jane Langston) chia sẻ về bản thân khi mắc bệnh Covid-19 và mối nguy của việc sử dụng thuốc
Nguồn video: The Guardian
- Lê Thị Thanh Hương -
---
[1] US Department of Health and Human Services (2010). How Tobacco Smoke causes Diseases – the biology and behavioral basis for smoking – attributable diseases - A report of the Surgeon General. Atlanta GA, US DHHS, Center of Disease Control and Prevention, National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Office on Smoking and Health.
[2] World Health Organization (2009). WHO report on the global tobacco epidemic, 2009: Implementing smoke-free environments
[3] Camargo CA Jr., G. R. Scott Budinger, Gabriel J. Escobar, Nadia N. Hansel, Corrine K. Hanson, Gary B. Huffnagle, and A. Sonia Buist (2014). Promotion of Lung Health: NHLBI Workshop on the Primary Prevention of Chronic Lung Diseases. Ann Am Thorac Soc. 2014 Apr; 11(Suppl 3): S125–S138.
[4] Pelkonen M., Notkola I-L., Tukiainen H., Tervahauta M., Tuomilehto J., and Nissinen A. (2001). Smoking cessation, decline in pulmonary function and total mortality: a 30 year follow up study among the Finnish cohorts of the Seven Countries Study. Thorax, 56 (9): 703-707
[5] Jaakkola J.J.K, Hernberg S., Lajunen T.K., Sripaijboonkij P., Malmberg L.P, Jaakkola M.S. (2019). Smoking and lung function among adults with newly onset asthma. BMJ Open Resp Res, 6(1): e000377.
[6] Tonnesen P, Marott JL, Nordestgaard B, Bojesen SE, Lange P. Secular trends in smoking in relation to prevalent and incident smoking-related disease: A prospective population-based study. Tob Induc Dis. 2019;17(October). doi:10.18332/tid/112459
[7] Zhou Z, Chen P, Peng H. Are healthy smokers really healthy? Tob Induc Dis. 2016;14(November). doi:10.1186/s12971-016-0101-z
[8] Oelsner E.C., Balte P.P, Bhatt S.P., Cassano P., Couper D., Folsom A.R. (2020). Lung function decline in former smokers and low-intensity current smokers: a secondary data analysis of the NHLBI Pooled Cohort Study. The Lancet Respiratory Medicine, 8 (1): 34-44.
[9] Dai X, Dharmage SC, Lowe AJ, Allen KJ, Thomas PS, Perret J, Waidyatillake N, Matheson MC, Svanes C,, Welsh L, Abramson MJ, Lodge CJ (2017). Early smoke exposure is associated with asthma and lung function deficits in adolescents. J Asthma, 54(6): 662-669.
[10] Bộ Y tế Việt Nam (2020). Covid-19: cập nhật mới nhất, liên tục. Truy cập tại https://suckhoedoisong.vn/Covid-19-cap-nhat-moi-nhat-lien-tuc-n168210.html vào hồi 23.15 ngày 31/3/2020.
[11]Vardavas C.I., Nikitara K. (2020). Covid-19 and smoking: a systematic review of the evidence. Tobacco Induced Diseases. March 2020, Vol 18: 20.
[12] Guan WJ, Ni ZY, Hu Y, et al. Clinical characteristics of coronavirus disease 2019 in China. N Engl J Med. 2020. doi:10.1056/NEJMoa2002032.