Việt Nam, COVID-19 và Y tế công cộng Chủ Nhật, 29/03/2020

Bài viết lược dịch phần phỏng vấn GS.TS Lê Vũ Anh từ bài phỏng vấn trên trang Portside của tác giả Stephanie Luce
Việt Nam chỉ có 141 trường hợp mắc Covid-19 tính đến 23 tháng 3 và cho đến hiện tại vẫn chưa có trường hợp tử vong nào. Mặc dù có đường biên giới sát với Trung Quốc và ít tài nguyên hơn các nước khác như Singapore, có vẻ như quốc gia này đã kiểm soát được dịch bệnh.
Stephanie Luce đã phỏng vấn Giáo sư Lê Vũ Anh để xem liệu chúng ta có thể học hỏi gì từ Việt Nam
Giáo sư Lê Vũ Anh là một chuyên gia/nhà lãnh đạo hàng đầu về Y tế Công cộng ở Việt Nam. Là người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y tế công cộng, ông đã dành nửa cuộc đời để làm việc ở đây cho đến khi về hưu. Hiện tại ông là Chủ tịch Hội Y tế công cộng Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Y tế công cộng Việt Nam.
Triết lý chung và nguyên tắc tổ chức của mô hình chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là gì?
Giống như một số quốc gia khác, Việt Nam phân chia hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên các cấp chính quyền. Chúng tôi có bốn cấp: Trung ương-Tỉnh-Huyện và xã. Tùy thuộc vào quy mô dân số của từng cấp, mà cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe được trang bị nguồn nhân lực và vật lực tương ứng.
Dưới cấp xã, chúng tôi có đội ngũ nhân viên y tế thôn bản (tôi sẽ nói rõ hơn về điều này sau). Với sự đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận thị trường, lĩnh vực tư nhân hiện đang được phát triển khá nhanh bao gồm cả thuốc và dược phẩm (Thuốc tây và thuốc cổ truyền). Để đi vào hoạt động, họ sẽ phải được cấp một số giấy phép và để có được giấy phép này họ cần trải qua một số kiểm tra và đánh giá cơ sở hạ tầng và tất nhiên, quá trình hoạt động của họ sẽ được giám sát định kỳ. Các đơn vị tư nhân sẽ được huy động để cung cấp một số dịch vụ trong một số trường hợp khẩn cấp như Covid19. Và tất nhiên, những đơn vị vi phạm quy định sẽ bị phạt (cả đơn vị công và tư).
Khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn luôn được nhắc đi nhắc lại nhưng trong thực tế, chỉ có tối đa 30% ngân sách đầu tư vào lĩnh vực dự phòng. Hy vọng rằng, việc ngày càng có nhiều bằng chứng đến từ dịch Covid19 sẽ thay đổi tỷ lệ này một chút theo hướng tập trung hơn vào dự phòng. Tôi muốn lưu ý rằng các bệnh viện và các đơn vị dự phòng hoạt động riêng biệt. Các đơn vị dự phòng hoạt động dưới sự quản lý của CDC cấp tỉnh (vì CDC chỉ được áp dụng ở cấp tỉnh). Ở cấp trung ương, chúng tôi vẫn giữ nguyên các viện nghiên cứu đầu ngành dưới tên cũ của họ. Ví dụ ở Hà Nội, là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, tại Thành phố Hồ Chí Minh là Viện Pasteur.
Việt Nam đã phát triển một hệ thống bảo hiểm y tế (thực tế từ đầu những năm 1990). Hiện có 89% người dân Việt Nam có bảo hiểm, trong đó, có một số đối tượng được bảo hiểm chi trả 100%: ví dụ, các hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, và một số người già cả, tàn tật neo đơn
Giáo sư có thể cho biết các bước quan trọng đã được thực hiện trong phản ứng dịch bệnh trong năm nay là gì?
Đối với câu hỏi này, có hai cách tiếp cận khác nhau, một là kể một câu chuyện, và hai là sử dụng một số dữ liệu cụ thể. Tôi sử dụng cả hai. Đầu tiên, tôi nói về dữ liệu.
Ai đó có thể hỏi về độ tin cậy của dữ liệu này. Tôi sẽ lập luận rằng (1) Vẫn còn tất cả các loại tin tức giả và hoảng loạn về dịch SARS năm 2003 ở Việt Nam. Vụ dịch đó đã giết chết một số người bao gồm bác sĩ Carlo Urbani từ WHO và các bác sĩ và y tá đã cung cấp dịch vụ (đặc biệt là tại bệnh viện Việt - Pháp). Bài học rút ra là những tin tức hoảng loạn và giả mạo sẽ mang lại những hậu quả bất ngờ, rất khó kiểm soát không chỉ trong thời gian đó mà trong một thời gian dài sau đó. Báo cáo minh bạch và cập nhật thông tin thực tế sẽ là cách tốt nhất để đối phó với sự bùng phát về mặt truyền thông.
Và (2): Chúng tôi đã học được bài học từ Trung Quốc khi họ không thông tin gì trong hai tuần đầu tiên kể từ khi có các ca bệnh Covid-19 xuất hiện (được coi là thời điểm vàng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát) cho đến khi bác sĩ Li Wenliang, một bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán quyết định thông báo trên trang fanpage của mình về một căn bệnh mới. Bài học này nhắc nhở chúng tôi tránh trường hợp tương tự. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới đã được mời hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế ngay khi có bất kỳ vụ dịch nào bùng phát .
Cùng xem biểu đồ dưới đây. Đường màu đen là số người có Covid (+); Đường màu đỏ: những người tiếp xúc gần với các ca Covid (+) và được coi là các ca nghi nhiễm; Đường màu xanh: những người đã hồi phục và kết quả xét nghiệm của họ đã âm tính.
Đối với Đường Đen: Tất cả đều phải nhập viện. Những người có triệu chứng sẽ được điều trị cho đến khi được chữa lành và xét nghiệm cho thấy họ âm tính với Covid. Những người này có thể cần cách ly hơn 14 ngày. Không có ca tử vong nào được ghi nhận cho đến nay trong số nhóm này. Có thể thấy ca bệnh số 16 nhập viện từ ngày 14 tháng 2 và kéo dài đến ngày 5 tháng 3. Trong khoảng thời gian đó, ở Việt Nam chỉ phát hiện có 1 trường hợp này.
Đối với Đường màu đỏ: Không phải tất cả, nhưng những người có triệu chứng và những người có tiếp xúc gần với trường hợp dương tính (màu đen) sẽ được xét nghiệm. Những người này được gọi là F1. Bất cứ khi nào F1 dương tính và trở thành ca bệnh, các F2 sẽ trở thành F1 và được yêu cầu cách ly tập trung. Trước đó, họ đã được nhắc nhở rằng họ có nguy cơ nhưng có thể được cách ly tại nhà với các hướng dẫn rất cẩn thận về cách tốt nhất để cách ly tại nhà. Đây là cách Việt Nam áp dụng giữa hai lựa chọn khó khăn: áp dụng cách ly đối với tất cả những người bị nghi ngờ và khả năng tài chính của mình!
Đối với Đường màu xanh: Do không có ca tử vong nào được ghi nhận, đường màu xanh phản ánh (1) Những người đã được hồi phục và có kết quả xét nghiệm âm tính, và (2) Số ngày điều trị tại bệnh viện. Chẳng hạn, bệnh nhân số 16 có 35 ngày nằm viện! Cần lưu ý rằng việc cách ly tập trung và điều trị trong bệnh viện được miễn phí toàn bộ. Điều này thể hiện phần nào về các chi phí dành cho dịch Covid và là lý do để chính phủ kêu gọi hỗ trợ trong nước và quốc tế. Đây là một điểm nhấn được truyền thông đại chúng ghi nhận về chính phủ trong việc giúp người dân trong thời điểm trọng yếu này, đặc biệt khi so với các quốc gia khác, nơi mọi người phải trả nhiều tiền cho cả xét nghiệm và điều trị bệnh.
Gần đây, chiến lược chi trả cho Covid19 đã thay đổi ở một số quốc gia như Canada và Vương quốc Anh theo hướng miễn phí! Nhưng Việt Nam đã làm điều này ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên và áp dụng cho cả người nước ngoài.
Thông đại chúng và truyền thông cũng đề cập mạnh mẽ đến các tin giả giả mạo và kiểm soát hoảng loạn. Khác với Trung Quốc, Việt Nam vẫn cho phép FaceBook, Twister, Zalo v.v. hoạt động song song với các kênh truyền thông chính thức. Điều này rất hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề truyền thông. Chẳng hạn, một người đàn ông đã sử dụng chloroquine phosphate để phòng bệnh Covid19 sau khi đọc tin tức trên Facebook và phải nhập viện điều trị hồi sức tích cực do nhiễm độc. Ngay chiều hôm đó, các tin tức truyền hình đều đưa tin về trường hợp đó cùng với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo về việc sử dụng tin tức, đặc biệt là trong thời gian Covid! Hoặc một đoạn clip về một người Việt gốc Ba Lan đến sân bay và được yêu cầu đi cách ly. Cô ấy đã phàn nàn và chia sẻ sự không hài lòng của mình, nhưng trường hợp của cô ấy đã được lan truyền rộng rãi và cô ấy đã bị cộng đồng mạng chỉ trích và cuối cùng cô ấy đã công khai xin lỗi vì những hành vi đó.
Làm thế nào để phối hợp đáp ứng dịch bệnh, vai trò của các chuyên gia phi y tế là gì? Giáo sư hãy nhận định vai trò của nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
Ngay từ đầu, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia (BCĐQG) phòng chống Covid19 do Phó thủ tướng chủ trì. Phó Chủ tịch thường trực là Thứ trưởng Bộ Y tế và các thành viên khác là từ tất cả các Bộ liên quan. Mỗi tỉnh và mỗi bộ ngành cũng thành lập một ban chỉ đạo để đảm bảo rằng tất cả các hướng dẫn và hoạt động do BCĐQG đề xuất đều được thực hiện. Đây là cách tiếp cận đa ngành cần được sử dụng trong lập kế hoạch tổng hợp trong tình huống khẩn cấp. Thủ tướng xuất hiện hàng ngày trên các tin tức truyền hình giải quyết các vấn đề liên quan tới dịch bệnh. Điều này nhấn mạnh vai trò của các đối tác khác nhau và khuyến khích họ làm việc hiệu quả.
Có vẻ như nền y tế công cộng của Việt Nam đã hoạt động tốt với nguồn ngân sách nhỏ hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Làm thế nào để tối đa hóa tài nguyên của Việt Nam?
Tôi cho rằng một số giải thích ở trên đã làm rõ một phần những gì VN đang thực hiện. Việt Nam phải cân nhắc giữa việc tài chính giới hạn và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trong thực tế. Nếu có nhiều tiền, VN có thể thực hiện khác đi một chút! Tôi không biết chi tiết cụ thể về số tiền đã được trả cho đợt dịch này cũng như các chiến lược y tế công cộng khác bởi chúng tôi không có số liệu kiểu như thế này.
Giáo sư có thể cho biết về thực hành chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
Tại Việt Nam, mỗi xã có một trạm y tế xã với khoảng 3-5-7 nhân sự (tùy theo quy mô dân số của xã) được trả lương. Họ có chuyên môn về sản-nhi, y học cổ truyền và y học dự phòng phụ trách tiêm chủng, v.v ... Họ đều được đào tạo về y và dược, và / hoặc y tế công cộng tùy thuộc vào sự lựa chọn của cá nhân họ vì loại hình đào tạo sẽ quyết định lương và thăng tiến nghề nghiệp. Tại các làng/bản/thôn, Việt Nam có các nhân viên y tế thôn bản, làm việc về các vấn đề dân số hoặc dinh dưỡng, v.v. Họ cũng được trả phụ cấp nhưng với mức rất khiêm tốn. Ở các cấp cao hơn như cấp huyện, tỉnh, trung ương, chức năng và nhu cầu đào tạo nghề nghiệp nghiệp hơi khác một chút.
Bài học quan trọng nào từ chăm sóc sức khỏe Việt Nam?
1. Cách ly được coi là một cách tiếp cận với chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả khi đất nước có đủ các cơ sở, trang thiết bị (chẳng hạn như Quân đội với các doanh trại) và nguồn nhân lực.
2. Xét nghiệm rất quan trọng nhưng tốn kém, do vậy cần xem xét kỹ càng trước khi quyết định đối tượng cần xét nghiệm.
3. Miễn phí cho tất cả các dịch vụ là một cách làm hiệu quả khi đất nước có đủ lựa chọn và nguồn lực hỗ trợ, và số lượng người sử dụng các dịch vụ vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Bài báo gốc: https://portside.org/2020-03-26/vietnam-covid-19-and-public-health -