Tiêm trộn lẫn hai loại vắc xin Covid-19 NÊN hay KHÔNG NÊN ?

TIÊM TRỘN LẪN HAI LOẠI VẮC XIN COVID-19- NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã tàn phá các hệ thống y tế công cộng và nền kinh tế của thế giới. Để ngăn chặn sự lây truyền của vi rút và giảm bớt mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, nghiên cứu phát triển vắc xin hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 được đẩy mạnh thực hiện và liều vắc xin đầu tiên trên thế giới đã được tiêm vào tháng 12 năm 2020. Vắc xin AstraZeneca là loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới, được tiêm ở 182 quốc gia, tiếp theo là vắc xin Pfizer—BioNTech, Moderna và Sinopharm, lần lượt được tiêm ở 115, 68 và 66 quốc gia.

Bắt đầu từ ngày 8 tháng 3 năm 2021, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, nhằm hướng đến mục tiêu đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ Y tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư vào ngân sách quốc gia và cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Cơ sở COVAX và các chính phủ khác thông qua ngoại giao vắc xin để đảm bảo cung cấp vắc xin ngừa Covid-19. Tuy nhận được nhiều sự hỗ trợ, để có đủ liều lượng vắc xin cho người dân vẫn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam tại thời điểm đó. Ngoài ra, các đột biến trong bộ gen của SARS-CoV-2 và sự xuất hiện của các biến thể được cho rằng đã làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin hiện có.1 Bởi vậy việc trộn và kết hợp 2 loại vắc xin khác nhau được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất như một giải pháp để giải quyết hai vấn đề trên.

Câu hỏi được đặt ra là có nên tiêm lẫn hai loại vắc xin COVID-19 không?

Việc trộn vắc xin và sử dụng vắc xin làm liều thứ hai hoặc liều tăng cường đã được thực hiện từ lâu trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Cho đến nay, việc trộn vắc xin DNA và vắc xin vector đã mang lại khả năng miễn dịch cao hơn ở cả mô hình động vật và con người.2 Phương pháp này đã được áp dụng chữa cho các virus HPV, HIV, cúm, Ebola. Ví dụ như đối với bệnh HIV, mặc dù chúng ta chưa có loại vắc xin HIV/AIDS hiệu quả, nhưng vào năm 2012, loại vắc xin hiệu quả nhất được phát triển cho đến nay đã sử dụng sự kết hợp của nhiều loại vắc xin khác nhau. Điều này là do việc bảo vệ chống lại vi rút HIV đòi hỏi một phản ứng miễn dịch phức tạp mà gần như không thể đạt được bằng một loại vắc xin vì một loại vắc xin có xu hướng chỉ tạo ra một loại phản ứng miễn dịch hoặc kích thích một bộ tế bào miễn dịch3

TRỘN LẪN LIỀU VẮC XIN GIÚP TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG MIỄN DỊCH CỦA CHÚNG TA

Một số cơ chế được đưa ra để lý giải cho việc sử dụng vắc xin không đồng nhất gia tăng khả năng miễn dịch. Cụ thể, bằng cách sử dụng các công thức vắc xin khác nhau, các nhánh khác nhau của hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt. Do đó, sự kết hợp giữa miễn dịch tế bào và dịch thể có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cao hơn và kéo dài hơn. Người ta cũng thấy rằng có thể đạt được nồng độ IgG cao hơn hoặc kháng thể trung hòa bằng cách sử dụng vắc xin khác loại vì những vắc xin này có thể kích thích khả năng miễn dịch dịch thể thông qua nhiều cách.1 Mặc dù cơ chế cơ bản lý giải việc tạo ra khả năng miễn dịch cao hơn khi trộn vắc xin COVID-19 vẫn chưa được mô tả rõ ràng. Tuy nhiên, dựa trên kết quả từ các nghiên cứu hiện có về việc kết hợp vắc xin COVID-19, người ta chỉ ra rằng kháng thể IgG, kháng thể trung hòa và phản ứng miễn dịch tế bào cũng tăng đáng kể khi sử dụng vắc xin COVID-19 khác nhau so với việc dùng cùng loại vắc xin4 5,6. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu của Barros-Martins và cộng sự (2021) khi những người được tiêm một liều vắc xin AstraZeneca và được tiêm liều Pfizer thứ hai, phản ứng của immunoglobulin G (IgG) và IgA anti-spike (S) cao hơn 11,5 lần so với những người tiêm cả hai liều AstraZeneca và phản ứng miễn dịch thể dịch cũng tốt hơn.7

CHÚ Ý TỚI TÁC DỤNG PHỤ KHI TIÊM TRỘN LẪN VẮC XIN.

Mặc dù việc trộn các loại vắc xin được ưu tiên và có cơ sở khoa học vững chắc để thực hiện, tác dụng phụ sau tiêm cũng cần được chú trọng. Kết quả đánh giá trên người dân ở Ả Rập Saudi cho thấy, những người tiêm lẫn hai loại vắc xin có nhiều triệu chứng tác dụng phụ và nghiêm trọng hơn so với những người tiêm cùng loại vắc xin8. Nghiên cứu của Combivacs ở Tây Ban Nha cũng chỉ ra những người được tiêm liều đầu tiên của vắc xin AstraZeneca và liều thứ hai của vắc xin Pfizer có phản ứng mạnh hơn so với những bệnh nhân được tiêm hai liều AstraZeneca.3 Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu của thử nghiệm Com-Cov của Oxford Vaccine Group9. Tuy nhiên tại Việt Nam, một nghiên cứu cắt ngang trên 719 người được thực hiện thông qua phỏng vấn qua điện thoại để xác định tính an toàn của việc tiêm trộn lẫn vắc xin COVID-19 ở liều tăng cường. Kết quả chỉ ra rằng hầu hết các tác dụng phụ gặp phải sau tiêm đều đều nhẹ như sốt, nhức đầu, đau cơ và/hoặc đau tại vị trí tiêm và việc tiêm trộn lẫn hai loại vắc xin không gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với với việc tiêm cùng loại.10

Mặc dù việc tiêm trộn vắc xin Covid-19 không được coi là nguy hiểm, các thử nghiệm lâm sàng cùng các nghiên cứu đánh giá về tính hiệu quả, tính an toàn của việc kết hợp các loại vắc xin COVID-19 hiện nay cần được tiếp tục cẩn trọng xem xét.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kardani K, Bolhassani A, Shahbazi S. Prime-boost vaccine strategy against viral infections: Mechanisms and benefits. Vaccine. 2016;34(4):413-423.
  2. Lin K, Roosinovich E, Ma B, Hung C-F, Wu T-C. Therapeutic hpv DNA vaccines. Immunologic research. 2010;47:86-112.
  3. VaccinesWork. Is it safe to mix and match COVID-19 vaccines? 2021; https://www.gavi.org/vaccineswork/it-safe-mix-and-match-covid-19-vaccines.
  4. Borobia AM, Carcas AJ, Pérez-Olmeda M, et al. Immunogenicity and reactogenicity of BNT162b2 booster in ChAdOx1-S-primed participants (CombiVacS): a multicentre, open-label, randomised, controlled, phase 2 trial. The Lancet. 2021;398(10295):121-130.
  5. Schmidt T, Klemis V, Schub D, et al. Immunogenicity and reactogenicity of heterologous ChAdOx1 nCoV-19/mRNA vaccination. Nature medicine. 2021;27(9):1530-1535.
  6. Benning L, Töllner M, Hidmark A, et al. Heterologous ChAdOx1 nCoV-19/BNT162b2 prime-boost vaccination induces strong humoral responses among health care workers. Vaccines. 2021;9(8):857.
  7. Barros-Martins J, Hammerschmidt SI, Cossmann A, et al. Immune responses against SARS-CoV-2 variants after heterologous and homologous ChAdOx1 nCoV-19/BNT162b2 vaccination. Nature medicine. 2021;27(9):1525-1529.
  8. Alshahrani MM, Alqahtani A. Side effects of mixing vaccines against COVID-19 infection among Saudi Population. Vaccines. 2022;10(4):519.
  9. Shaw RH, Stuart A, Greenland M, Liu X, Nguyen Van-Tam JS, Snape MD. Heterologous prime-boost COVID-19 vaccination: initial reactogenicity data. Lancet (London, England). 2021;397(10289):2043-2046.
  10. Hung PV, Nguyen TD, Ha LT, Toi PL, Tram TH. Common Adverse Events from Mixing COVID-19 Vaccine Booster in Hanoi, Vietnam. Vaccines. 2023;11(6):1097.
0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận