Bài vừa đăng
Không có dữ liệu
Một số tác dụng phụ được báo cáo sau tiêm vaccine COVID-19

Một số tác dụng phụ được báo cáo sau tiêm vaccine COVID-19

         Tiêm vaccine được cho là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, không chỉ bảo vệ cho bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng. Đứng trước tình hình dịch COVID-19 đang lan truyền nhanh chóng ở khắp các tỉnh thành, chính phủ Việt Nam đã triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh kể từ tháng 4 năm 2021. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người chưa tiêm phòng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn ít nhất 10 lần so với người đã được tiêm phòng. Bên cạnh lợi ích, vaccine COVID-19 cũng gây ra một số tác dụng phụ cho người được tiêm. Những tâ dụng phụ này được Hệ thống báo cáo biến cố bất lợi vaccine (VAERS) của CDC Hoa Kỳ thống kê và ghi nhận bao gồm:

  • Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin COVID-19: Sốc phản vệ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 rất hiếm xảy ra. Tỷ lệ xảy ra là khoảng 5 trường hợp trên một triệu liều vaccine được tiêm.1 Trong 66 ca báo cáo về sốc phản vệ đối với vaccine mRNA COVID-19 tại VAERS trong giai đoạn từ ngày 14/12/2020 tới 18/01/2021, có 47 trường hợp sau tiêm vaccine Pfizer-BioNTec, 19 trường hợp sau khi tiêm vaccine Moderna và không có trường hợp tử vong do sốc phản vệ.2 Tuy nhiên sốc phản ứng phản vệ là loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, không riêng vaccine Covid-19.
  • Tử vong sau tiêm vaccine ngừa COVID-19: Những người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ít có khả năng tử vong vì COVID-19 và các biến chứng của nó hơn, đồng thời có nguy cơ tử vong do các nguyên nhân không phải do COVID thấp hơn những người không được tiêm chủng.3,4 Trong hơn 557 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng tại Hoa Kỳ từ ngày 14/12/2020 đến ngày 14/3/2022, VAERS đã nhận được 13.273 báo cáo sơ bộ về trường hợp tử vong (0,0024%) ở những người tiêm vaccine Covid-19.5
  • Hội chứng Guillain-Barré (GBS) sau tiêm vaccine COVID-19: GBS là một chứng rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây yếu cơ và đôi khi bị tê liệt. GBS phần lớn được quan sát thấy ở những người từ 50 tuổi trở lên. Theo dữ liệu được phân tích từ Liên kết dữ liệu an toàn vaccine (VSD), tỷ lệ mắc GBS trong 21 ngày đầu tiên sau khi tiêm vaccine J&J/Janssen COVID-19 được phát hiện cao hơn 21 lần so với sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna (mRNA) COVID-19. Sau 42 ngày đầu tiên, tỷ lệ mắc GBS cao hơn 11 lần sau khi tiêm vaccine J&J/Janssen COVID-19.  Kết quả phân tích cho thấy không có nguy cơ mắc GBS tăng lên sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.1
  • Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vaccine COVID-19: Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vaccine COVID-19 cũng là trường hợp rất hiếm gặp. Hầu hết bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau tiêm vaccine COVID-19 đều phản ứng tốt với thuốc và cảm thấy khỏe hơn nhanh chóng sau khi nghỉ ngơi. Hầu hết các trường hợp được báo cáo là sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Tuy nhiên, các bệnh nhân này chỉ phải nhập viện từ một ngày trở xuống và không có bệnh nhân nào cần được chăm sóc đặc biệt. Cả hai loại vaccine đều cho thấy nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim tăng lên ở nam thanh niên từ 18-39 tuổi. Nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine Moderna cao hơn so với sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech trong vòng 0-7 ngày sau khi tiêm.6 Khuyến nghị: Để giảm nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thì thời gian giữa hai liều tiêm vaccine mRNA Covid-19 cần được kéo dài.7  
  • Huyết khối kèm theo Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) sau tiêm vaccine ngừa COVID-19:  TTS là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ra các cục máu đông trong các mạch máu lớn cùng với giảm tiểu cầu và tiêu thụ quá mức các yếu tố đông máu dẫn đến nguy cơ chảy máu. TTS thường xảy ra sau tiêm vaccine J & J/ Janssen Covid-19. Hầu hết các trường hợp đều xảy ra ở phụ nữ và những người dưới 50 tuổi và tất cả các trường hợp đều phải nhập viện. Trong nghiên cứu của Isaac See và cộng sự vào 2021, tỷ lệ báo cáo về các trường hợp TTS sau khi tiêm vaccine J&J/Janssen là 3,83 trên một triệu liều tiêm, trong khi tỷ lệ sau khi tiêm vaccine mRNA phù hợp với tỷ lệ cơ bản của TTS (0,0085 trên một triệu liều tiêm). Phân tích này kết luận rằng TTS là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến việc tiêm vaccine J&J/Janssen COVID-19. 8

         Tại Việt Nam, hai tác dụng phụ được báo cáo sau tiêm vaccine COVID-19 là sốc phản vệ và tử vong. Nó có thể xảy ra ở mọi đối tượng không kể giới tính, độ tuổi hay loại vaccine mà đối tượng sử dụng. Một số trường hợp sốc phản vệ nguy kịch có biểu hiện như tím tái, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn, sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. Các trường hợp này đã được kịp thời được chuyển tới khoa điều trị tích cực của các bệnh viện nên bệnh nhân dần dần hồi phục, nhưng cũng có trường hợp nặng hơn, không qua khỏi. Cụ thể, đã ghi nhận trường hợp nữ sinh lớp 9 sau tiêm vaccine Pfizer và 4 công nhân ở Thanh Hóa sau tiêm vaccine Vero Cell đều bị sốc phản vệ, tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu rồi dẫn tới tử vong.9,10 Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nam thanh niên 26 tuổi sống tại Hà Nội đươc xác định là tử vong không rõ nguyên nhân sau 39 tiếng kể từ khi tiêm vaccine AstraZeneca.11 Các đối tượng này đều có sức khỏe bình thường, được khám sàng lọc, tư vấn đầy đủ trước tiêm, cũng như được theo dõi tại trạm ít nhất 30 phút sau tiêm theo đúng quy định.

         Các biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Covid-19 rất hiếm gặp trong khi lợi ích mà vaccine mang lại vô cùng to lớn. Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động tiêm phòng Covid để có được miễn dịch tự bảo vệ bản thân cũng như góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng.

 Ban truyền thông VPHA

NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Prevention CFDCa. Reported Adverse Events. 2023; https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/safety/adverse-events.html#:~:text=Many%20people%20have%20reported%20side,away%20within%20a%20few%20days. Accessed January 2nd, 2024.
  2. Shimabukuro TT, Cole M, Su JR. Reports of Anaphylaxis After Receipt of mRNA COVID-19 Vaccines in the US—December 14, 2020-January 18, 2021. JAMA. 2021;325(11):1101-1102.
  3. Day B, Menschik D, Thompson D, et al. Reporting Rates for VAERS Death Reports Following COVID-19 Vaccination, December 14, 2020-November 17, 2021. medRxiv. 2022:2022.2005.2005.22274695.
  4. Xu S, Huang R, Sy LS, et al. COVID-19 vaccination and non–COVID-19 mortality risk—seven integrated health care organizations, United States, December 14, 2020–July 31, 2021. Morbidity and Mortality Weekly Report. 2021;70(43):1520.
  5. Hospital TA. CÁC PHẢN ỨNG NẶNG VÀ TÁC DỤNG PHỤ SAU TIÊM VẮC XIN COVID-19. 2022; https://tamanhhospital.vn/tac-dung-phu-sau-tiem-vac-xin-covid-19/.
  6. Goddard K, Lewis N, Fireman B, et al. Risk of myocarditis and pericarditis following BNT162b2 and mRNA-1273 COVID-19 vaccination. Vaccine. 2022;40(35):5153-5159.
  7. Weintraub ES, Oster ME, Klein NP. Myocarditis or Pericarditis Following mRNA COVID-19 Vaccination. JAMA Network Open. 2022;5(6):e2218512-e2218512.
  8. See I, Lale A, Marquez P, et al. Case series of thrombosis with thrombocytopenia syndrome after COVID-19 vaccination—United States, December 2020 to August 2021. Annals of internal medicine. 2022;175(4):513-522.
  9. Tuoitre.vn. Một học sinh ở Hà Nội tử vong sau 1 ngày tiêm vắc xin COVID-19. 2021; https://tuoitre.vn/mot-hoc-sinh-o-ha-noi-tu-vong-sau-1-ngay-tiem-vac-xin-covid-19-20211128205205645.htm.
  10. VnExpress. Người thứ 4 tử vong sau tiêm vaccine ở Thanh Hóa. 2021; https://vnexpress.net/nguoi-thu-4-tu-vong-sau-tiem-vaccine-o-thanh-hoa-4394822.html.
  11. Vietnamnet.vn. Thanh niên ở Hà Nội tử vong chưa rõ nguyên nhân sau tiêm vắc xin Covid-19. 2021; https://vietnamnet.vn/thanh-nien-o-ha-noi-tu-vong-chua-ro-nguyen-nhan-sau-tiem-vac-xin-covid-19-748167.html.
0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận