BỆNH BẠCH HẦU
Tác giảVPHA.ORG

1. Bệnh bạch hầu là gì ?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. [1] 

2. Triệu chứng

Triệu chứng bệnh bạch hầu thường gặp như sau [1]

Thời gian ủ bệnh: từ 2-5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát:

- Người bệnh thường sốt 37,5o - 38oC, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu.

- Khám họng: Họng hơi đỏ, a-my-dan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên. Sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Thời kỳ toàn phát: Vào ngày thứ 2-3 của bệnh.

- Toàn thân: Người bệnh sốt 38o - 38,5o, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ.

- Khám họng: có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên a-my-dan; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì vài giờ sau mọc lại rất nhanh; giả mạc dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.

- Hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.

3. Đường lây truyền

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm khuẩn.

Thời kỳ lây truyền khoảng 2 tuần. Người bệnh có thể đào thải vi khuẩn ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn có thể mang vi khuẩn bạch hầu từ vài ngày đến 4 tuần. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng và chấm dứt sự lây truyền.

Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường từ 2- 5 ngày.

4. Phòng bệnh

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.[2]

Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu đối với người dân:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tổng hợp và biên soạn: Lê Minh Đạt (email: lmd@vpha.org.vn)

 

Tài liệu tham khảo

1.         Bộ Y tế (2020), QĐ 2957/QĐ-BYT về việc Ban hành hướng dẫn chấn đoán và điều trị Bạch hầu ngày 10 tháng 7 năm 2020, chủ biên.

2.         Bộ Y tế (2020), QĐ 3593/QĐ-BYT về việc Ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Bạch hầu ngày 18 tháng 8 năm 2020, chủ biên

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận