Covid-19 làm gia tăng nguy cơ mệt mỏi mãn tính lên gấp bốn lần
Tác giảVPHA.ORG

Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, COVID-19 có liên quan đến nguy cơ phát triển tình trạng mệt mỏi mãn tính gấp bốn lần. Tình trạng mệt mỏi sau COVID, bao gồm cả mệt mỏi mãn tính, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và phổ biến hơn ở người lớn tuổi hơn người trẻ tuổi

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi (The journal Emerging Infectious Diseases) do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thực hiện chỉ ra rằng  bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị mệt mỏi mãn tính cao hơn ít nhất bốn lần so với những người không bị nhiễm bệnh.

Mệt mỏi mãn tính hay còn được biết với tên gọi Viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS), là một căn bệnh nghiêm trọng, lâu dài ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể. Nó được đặc trưng bởi sự mệt mỏi sâu sắc kể cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ. Các triệu chứng của nó có thể trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 4.500 bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021 và hơn 9.000 người không bị bệnh mà có đặc điểm tương tư. Kết quả cho thấy 9,5% bệnh nhân Covid-19 bị mệt mỏi sau khi nhiễm bệnh và họ có nguy cơ bị mệt mỏi cao hơn 1,68 lần và bị mệt mỏi mãn tính cao hơn 4,32 lần so với người chưa từng mắc COVID-19.1 Ngoài ra, những bệnh nhân nhiễm bệnh bị mệt mỏi đối mặt với nguy cơ gia tăng số lần nhập viện hoặc có nguy cơ tử vong  cao hơn so với những bệnh nhân không mệt mỏi. Cụ thể như trong thời gian theo dõi, 5,3% người mệt mỏi đã chết so với 2,3% người không mệt mỏi.2

Tình trạng mệt mỏi sau COVID, bao gồm cả mệt mỏi mãn tính, phổ biến ở phụ nữ, người lớn tuổi và những người mắc các bệnh lý khác bao gồm tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và có tiền sử rối loạn tâm trạng.2 Phụ nữ có nguy cơ nhận được chẩn đoán mệt mỏi cao hơn 39% so với nam giới khi cân nhắc tới tuổi tác và bệnh đi kèm. Trong khi đó, những người ở “nhóm tuổi cao hơn” có nhiều khả năng nhận được chẩn đoán mệt mỏi hơn những người từ 18 đến 29 tuổi khi không xét đến yếu tố giới tính và các bệnh đi kèm.1 Hiện chưa có bằng chứng mạnh mẽ nào về sự khác biệt chủng tộc hoặc sắc tộc trong tỉ lệ mắc chứng mệt mỏi. Tỉ lệ mắc bệnh chỉ thấp hơn một chút ở bệnh nhân da đen.

 

 

Các chẩn đoán mệt mỏi mãn tính vẫn tiếp tục diễn ra trong 18 tháng sau khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 cho thấy “tác động dai dẳng” của bệnh hoặc độ trễ trong chẩn đoán mệt mỏi cũng có thể được coi là một triệu chứng hoặc một chẩn đoán riêng biệt.3

Tỷ lệ mệt mỏi cao được cho rằng sẽ  củng cố nhu cầu thực hiện các hành động y tế công cộng để ngăn ngừa nhiễm COVID-19, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng cho những người có nhu cầu và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng mệt mỏi cấp tính hậu COVID-19.  Hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức về tình trạng mệt mỏi và các triệu chứng COVID kéo dài khác sẽ giúp bệnh nhân COVID tìm kiếm sự chăm sóc sớm khi cần để giảm nguy cơ tiêu cực cho sức khỏe của họ.

Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Khánh Hằng (email: nkh@vpha.org.vn)

 

Tài liệu tham khảo

1.          SFORZA L. COVID patients 4 times more likely to develop chronic fatigue: CDC research. 2024; https://thehill.com/policy/healthcare/4470168-covid-patients-4-times-more-likely-to-develop-chronic-fatigue-cdc-research/. Accessed February 15th, 2024.

2.          Kekatos M. COVID patients are 4.3 times more likely to develop chronic fatigue, CDC report finds. 2024; https://abcnews.go.com/Health/covid-patients-43-times-develop-chronic-fatigue-cdc/story?id=107222208, 2024.

3.          Smith-Schoenwalder C. Study: COVID-19 Associated With Quadrupled Risk of Chronic Fatigue. 2024; https://www.usnews.com/news/health-news/articles/2024-02-14/cdc-study-covid-19-tied-to-quadrupled-risk-of-chronic-fatigue.

 

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận