Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên các chuyến bay giải cứu và sáng kiến của các bác sĩ bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, Việt Nam
Tác giảVPHA.ORG

Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng cấp phép và tổ chức trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.1

Trước tình hình đó, tôi đã tham khảo và tóm tắt lại một số báo cáo từ Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 và một số bài báo quốc tế nhằm mục tiêu mô tả nguy cơ lây nhiễm và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của các chuyên gia tại Việt Nam.

1. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên các chuyến bay cứu trợ

Mặc dù đã thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 ở mức độ cao nhất nhưng vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm đối với những hành khách, nhân viên phục vụ các chuyến bay này. Tác giả Nguyễn Công Khanh và cộng sự nghiên cứu nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay mang số hiệu VN54 khởi hành từ London đến Hà Nội trong thời gian từ 1-16/3/2020. Có 16 (100%) thành viên tổ bay và 168 (84%) hành khách ở lại Việt Nam đã được truy vết, phỏng vấn và thu thập các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; 33 (16%) hành khách đã quá cảnh sang các nước khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được xác định bằng PCR trong đó có 14 trường hợp là hành khách và 01 thành viên của phi hành đoàn. Nghiên cứu trình tự khởi phát triệu chứng theo thời gian, các tác giả đã chứng minh 15 trường hợp trên được cho là lây nhiễm từ 1 bệnh nhân (Bệnh nhân 17) đã mắc bệnh trước khi lên chuyến bay. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra con đường lây truyền có khả năng xảy ra trên chuyến bay là qua sol khí hoặc giọt bắt từ bệnh nhân 17, đặc biệt là đối với những người cùng cabin87 với bệnh nhân.2

Các chuyến bay di tản/cứu trợ hiện nay phần lớn là các chuyến bay quốc tế với thời gian bay dài. Điều này không chỉ dẫn đến việc nhập khẩu các trường hợp mắc bệnh mà còn tạo điều kiện cho sự lây lan rộng trong cả chuyến bay.3

2. Sáng kiến giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của các bác sĩ bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, Việt Nam

Chuyến bay đón 219 công dân Việt từ Guinea Xích Đạo về nước khởi hành sáng 28/7 được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ” khi 120 người, tức hơn phân nửa số hành khách đã được xác định dương tính SARS-CoV-2 trước đó. Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, trưởng đoàn công tác của Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung Ương có mặt trên chuyến bay cho biết, nguy cơ lây nhiễm cho phi hành đoàn, nhân viên y tế tham gia bay rất lớn do không gian của máy bay hẹp trong khi số lượng bệnh nhân dương tính lại cao.4

Để hạn chế tối đa sự lây nhiễm, các bác sĩ đã lên kế hoạch phân máy bay làm 4 khu:

- Khu đuôi máy bay dành cho bệnh nhân dương tính;

- Khu bệnh nhân chưa có kết quả xét nghiệm và bệnh nhân âm tính;

- Khu 3 là nhân viên y tế

- Khu thứ 4 là của phi hành đoàn.

90 hành khách âm tính với COVID-19 ngồi ở khoang phía trên, tiếp đó là phòng đệm và phía cuối máy bay chở 129 hành khách dương tính với COVID-19. Hành khách được cung cấp đồ bảo hộ, mặc trong suốt chuyến bay.

Sáng kiến quan trọng và đặc biệt nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm trong chuyến bay, theo bác sĩ Hùng, chính là việc đưa vào sử dụng các buồng áp lực dương. Đây là nghiên cứu của nhóm bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và các chuyên gia trường Đại học Bách Khoa.4

Ở giữa các khu đã phân cách, các bác sĩ sẽ đặt những màng chắn bằng vải nilon, khung  nhựa tháo lắp đơn giản. Có tổng cộng 4 buồng được lắp đặt, trọng lượng của mỗi buồng khoảng 7-8kg, thao tác lắp đặt trong vòng 5 đến 7 phút.4

Những buồng áp lực dương này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ virus phát tán từ khu này sang khu kia, giữa bệnh nhân dương tính và bệnh nhân âm tính cũng như phi hành đoàn. Về nguyên lý, khi sử dụng buồng áp lực dương, không khí sẽ được thổi từ bên ngoài vào thông qua 01 hệ thống máy lọc, có thể lọc được cả virus. Không khí được lọc có thể coi là không khí sạch.

Trong tình huống nhân viên y tế, tổ bay có những thao tác nhiều nguy cơ (ví dụ khi bỏ khẩu trang ra để ăn), buồng áp lực dương sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. “Đây là giải pháp rất quan trọng khi thời gian bay từ Guinea Xích Đạo về Nội Bài lên tới 15 tiếng”, bác sĩ Hùng cho biết.4

Ngay khi nhập cảnh, toàn bộ hành khách, phi hành đoàn và nhân viên y tế đã được đưa về cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

 Tổng hợp và biên soạn: Lê Minh Đạt (email: lmd@vpha.org.vn)

Tài liệu tham khảo

1.         Nguyễn Hưởng. Con số đáng sợ ở "chuyến bay giải cứu". Báo Người Lao Động. Accessed July 30, 2024. https://nld.com.vn/phap-luat/con-so-dang-so-o-chuyen-bay-giai-cuu-20230710221738307.htm

2.         N. C. Khanh, P. Q. Thai, H. L. Quach, et al. Transmission of SARS-CoV 2 During Long-Haul Flight. Emerging infectious diseases. Nov 2020;26(11):2617-2624. doi:10.3201/eid2611.203299

3.         J. Zhang, F. Qin, X. Qin, et al. Transmission of SARS-CoV-2 during air travel: a descriptive and modelling study. Annals of medicine. Dec 2021;53(1):1569-1575. doi:10.1080/07853890.2021.1973084

4.         CỔNG THÔNG TIN CỦA BỘ Y TẾ VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19. 4 y bác sĩ BV Nhiệt đới TW lên đường "giải cứu" công dân Việt từ Guinea Xích đạo. Bộ Y tế. Accessed July 30, 2024. https://covid19.gov.vn/4-y-bac-si-bv-nhiet-doi-tw-len-duong-giai-cuu-cong-dan-viet-tu-guinea-xich-dao-1717072246.htm

 

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận