Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.1
Thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, chúng ta cùng tìm hiểu về một số biện pháp phòng ngừa cúm cho bản thân và những người xung quanh.
1. Tiêm phòng vắc xin cúm:
a. Lợi ích của tiêm vắc-xin cúm:
- Tiêm vắc-xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Vắc-xin giúp cơ thể tạo miễn dịch chống lại các chủng virus cúm phổ biến, có hiệu lực bảo vệ 70-80% cho người lớn khoẻ mạnh.2
- Virus cúm liên tục biến đổi, do đó cần tiêm vắc-xin hàng năm (theo chủng cúm đang lưu hành) để đảm bảo khả năng bảo vệ tốt nhất. Vắc-xin bắt đầu có hiệu quả sau khoảng 2 tuần kể từ khi tiêm
- Một số loại vắc-xin hiện được cho phép lưu hành tại Việt Nam: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan),
b. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng:
Tất cả mọi người đều nên tiêm phòng cúm để bảo vệ bản thân đặc biệt là các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nên được tiêm phòng cúm bao gồm1:
- Nhân viên y tế;
- Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi;
- Người có bệnh mãn tính (bệnh phổi mãn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).
- Người trên 65 tuổi.
c. Thời điểm tiêm thích hợp:
Tiêm phòng trước mùa cúm (thường vào mùa đông xuân) là thời điểm tối ưu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nơi cúm có thể xảy ra quanh năm, việc tiêm sớm luôn được khuyến khích
2. Các biện pháp dự phòng khác:
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp dự phòng khác như sau:4
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
- Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Nguồn: [Infographic] Bộ Y tế5
Tổng hợp và biên soạn: Lê Minh Đạt (email: lmd@vpha.org.vn)
_______________________________
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2015), Quyết định số 5642/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn "hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm", ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2015, chủ biên.
2. Bộ môn Dịch tễ học (2019), "Dịch tễ học bệnh Cúm", Giáo trình Dịch tễ học một số bệnh phổ biến, Nhà xuất bản Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, tr. 130-139.
3. Centers for Disease Control and Prevention (2024), Influenza Virus Genome Sequencing and Genetic Characterization, truy cập ngày Feb11-2025, tại trang web nstantly%20changing,the%20genome%20of%20these%20viruses.
4. Cục Y tế dự phòng (2020), Chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng, truy cập ngày Feb11-2025, tại trang web https://vncdc.gov.vn/chu-dong-phong-chong-benh-cum-mua-nd14975.html.
5. [Infographic] Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh cúm mùa (2025), truy cập ngày Feb11-2025, tại trang web https://dongnaicdc.vn/infographic-bo-y-te-khuyen-cao-cac-bien-phap-phong-benh-cum-mua.