Trong một quyết định đồng thuận nhằm bảo vệ thế giới khỏi các cuộc khủng hoảng do bệnh truyền nhiễm trong tương lai, Hội đồng Y tế Thế giới đã nhất trí khởi động một quy trình toàn cầu để soạn thảo và đàm phán một công ước, thỏa thuận hoặc các công cụ quốc tế khác theo Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm tăng cường sự phòng chống, chuẩn bị và phản ứng với đại dịch.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc WHO) cho biết quyết định của Hội đồng Y tế Thế giới mang tính lịch sử, quan trọng trong sứ mệnh và đại diện cho cơ hội chỉ có một lần để củng cố cấu trúc y tế toàn cầu nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự an toàn của tất cả mọi người.
“Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ những lỗ hổng trong hệ thống toàn cầu bảo vệ mọi người khỏi đại dịch: những người dễ bị tổn thương nhất không có vắc xin; nhân viên y tế không có đủ thiết bị cần thiết để cứu sống bệnh nhân; và các phương pháp tiếp cận ‘tôi trước’ ngăn cản sự đoàn kết toàn cầu, điều cần thiết để đối phó với một mối đe dọa toàn cầu, theo Tiến sĩ Tedros.
Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng chứng kiến những minh chứng đầy cảm hứng về sự hợp tác giữa khoa học và chính trị, từ sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin, đến cam kết của các quốc gia trong việc đàm phán một hiệp định toàn cầu sẽ giúp giữ cho các thế hệ tương lai an toàn hơn trước những tác động của đại dịch.
Hội đồng Y tế đã họp phiên họp đặc biệt, lần thứ hai kể từ khi WHO thành lập vào năm 1948, và thông qua một quyết định duy nhất có tiêu đề: “Thế giới cùng chung tay”. Hội đồng quyết định thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) để soạn thảo và đàm phán một công ước, thỏa thuận của WHO hoặc công cụ quốc tế khác về việc ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch thông qua Điều 19 của Hiến chương WHO, hoặc các quy định của Hiến chương mà INB cho là có thể phù hợp.
Điều 19 của Hiến chương WHO cung cấp cho Hội đồng Y tế Thế giới thẩm quyền thông qua các công ước hoặc thỏa thuận về bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của WHO. Công cụ duy nhất được thiết lập theo Điều 19 cho đến nay là Công ước Khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá. Điều này, đã đóng góp đáng kể và nhanh chóng trong việc bảo vệ mọi người khỏi thuốc lá kể từ khi có hiệu lực vào năm 2005.
Theo quyết định được thông qua ngày 1/12/2021, INB sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 1 tháng 3 năm 2022 (để thống nhất về cách thức làm và lịch trình làm việc) và cuộc họp thứ hai vào ngày 1 tháng 8 năm 2022 (để thảo luận về tiến độ của bản dự thảo đang được phát triển). INB cũng sẽ tổ chức các buổi điều trần công khai để thông báo về các cuộc thảo luận; gửi báo cáo tiến độ cho Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 vào năm 2023; và đệ trình kết quả để Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 xem xét vào năm 2024.
Thông qua quyết định này, Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng yêu cầu Tổng Giám đốc WHO triệu tập các cuộc họp của INB và hỗ trợ công việc của tổ chức này, bao gồm tạo điều kiện cho sự tham gia của các cơ quan khác trong hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác trong quá trình thực hiện với mức độ do INB quyết định.
Nguồn: WHO