Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.
WHO nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe thông qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Thực tế cho thấy, mặc dù có quy định quản lý chặt về việc quảng cáo, buôn bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng đã không có mấy kết quả trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm này. Theo kết quả sơ bộ nghiên cứu “Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm 2023”, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%1. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Riêng ở nữ giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% ở độ tuổi từ 11-18 tuổi 2,3. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Hình 1: Học sinh hút thuốc tại trường học (Nguồn: Báo tuổi trẻ)
Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.4
Nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty thuốc lá đang tích cực sử dụng các kênh truyền thông, trong đó kênh mạng xã hội được chú trọng để tiếp cận người sử dụng ở mọi lứa tuổi nhằm tạo ra những người hút mới, trong đó đặc biệt là nhằm vào giới trẻ. 150 triệu người trẻ, trong đó có 16 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đã tiếp cận với các thông tin quảng cáo về thuốc lá trên mạng xã hội5. Theo BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), các công ty sản xuất thuốc lá đã chi khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ. Đặc biệt, kết quả điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên GYTS 2022 của Bộ Y tế (ở trẻ 13-15 tuổi) cho thấy mạng internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (chiếm 22,1%); kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất cũng là mạng xã hội.6 Theo thống kê của Trường ĐH Y tế công cộng, các công ty sản xuất thuốc lá đang hướng tới sử dụng những người nổi tiếng (KOLs)… để quảng cáo, đăng ảnh sản phẩm, bài viết trên các trang mạng xã hội.
Hình 2: Đủ các loại mẫu mã thuốc lá điện tử được rao bán trên Facebook.
Nhân dịp Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như chiến dịch "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử"; "Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc" của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các chiến dịch sáng kiến, hội thi: Gia đình có sức khoẻ, không khói thuốc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được triển khai và có tác động sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là trong thanh niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và toàn cộng đồng vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Khánh Hằng (email: nkh@vpha.org.vn)
Tài liệu tham khảo
1. Theo báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023.
2. Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
3. Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh thành.
4. Công văn của Bộ Y tế số 947/BYT-PC góp ý đối với dự thảo Công văn của Bộ Công thương về đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.
5. Campaign for Tobacco Free Kids, https://assets.tobaccofreekids.org/content/what_we_do/industry_watch/social-media-marketing-tactics/2023_12_08_SponsoredByBigTobacco.pdf
6. Theo điều tra quốc gia về sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam năm 2022