WHO thúc đẩy nhanh công việc về các mục tiêu dinh dưỡng với những cam kết mới

Tại Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho tăng trưởng ở Tokyo vào ngày 7 - 8 tháng 12 năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố 6 cam kết mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng năm 2025,...

Tại Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho tăng trưởng ở Tokyo vào ngày 7 - 8 tháng 12 năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố 6 cam kết mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng năm 2025, bao gồm:

  1. Mở rộng các sáng kiến để ngăn ngừa và quản lý tình trạng thừa cân và béo phì;
  2. Đẩy mạnh các hoạt động tạo môi trường thúc đẩy xây dựng chế độ ăn an toàn và lành mạnh;
  3. Hỗ trợ các nước giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính;
  4. Đẩy nhanh các hành động nhằm làm giảm tình trạng thiếu máu;
  5. Mở rộng quy mô khuyến khích và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ có chất lượng; và
  6. Tăng cường hệ thống dữ liệu dinh dưỡng, sử dụng dữ liệu và năng lực.

 

Ngày nay, một phần ba tổng số người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi ít nhất một dạng suy dinh dưỡng. Hơn 40% nam giới và phụ nữ (2,2 tỷ người) hiện đang bị thừa cân hoặc béo phì. Trong khi chế độ ăn uống không lành mạnh có liên quan đến ít nhất 8 triệu ca tử vong mỗi năm.

 

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức là một trong những nguyên nhân gây tử vong và bệnh tật hàng đầu trên thế giới. “WHO cam kết hỗ trợ tất cả các quốc gia từng bước mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu như một phần trong quá trình hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân và củng cố hệ thống thực phẩm bền vững để hỗ trợ chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người, ở mọi nơi”.

 

Những gánh nặng về suy dinh dưỡng, như thấp còi, gầy còm, thiếu vi chất dinh dưỡng, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn, cùng xuất hiện trong một cộng đồng, hộ gia đình và thậm chí trong cùng một cá nhân có xu hướng gia tăng. Với xu hướng hiện tại, dự báo cứ hai người thì có một người bị suy dinh dưỡng vào năm 2025 và ước tính khoảng 40 triệu trẻ em sẽ bị béo phì hoặc thừa cân trong thập kỷ tới.

 

Ở các cộng đồng bị thiệt thòi, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng. Năm ngoái, 149 triệu trẻ em bị tăng trưởng thấp còi do chế độ ăn nghèo nàn, không được tiếp cận với nước sạch và các dịch vụ y tế, cũng như các vấn đề về khả năng tiếp cận khác. Trong số 45% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, suy dinh dưỡng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tử vong.

 

Trong khi có những dấu hiệu tích cực về tiến bộ, chẳng hạn như thế giới đang trên đà đạt được mục tiêu toàn cầu là tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn vào năm 2025, đại dịch COVID-19 đã gây ra những cuộc khủng hoảng dinh dưỡng. Điều này đã ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ và trẻ em, đồng thời mang đến những thách thức chưa từng có. Nó cũng dẫn đến sự chuyển hướng nguồn lực ra khỏi hệ thống dinh dưỡng toàn cầu, bao gồm cơ sở hạ tầng y tế, lương thực, bảo trợ xã hội và hỗ trợ nhân đạo.

 

Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm của WHO cho biết: “Ngày nay, chưa đến 1% hỗ trợ phát triển toàn cầu tập trung vào dinh dưỡng. “Cần phải thúc đẩy nhanh các hành động để chấm dứt chế độ ăn uống không lành mạnh và suy dinh dưỡng, các cam kết mới của WHO đối với Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng tăng trưởng đã phản ánh điều này. Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho tăng trưởng là một cơ hội to lớn để thúc đẩy hành động trong Thập kỷ hành động 2016-2025 về dinh dưỡng. ”

 

WHO tiếp tục duy trì và thúc đẩy hoạt động trong ba lĩnh vực trọng tâm của Dinh dưỡng cho Tăng trưởng (sức khỏe, thực phẩm và khả năng phục hồi) bằng cách tăng cường hướng dẫn quy chuẩn và hỗ trợ các quốc gia sử dụng chúng; giám sát và đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu dinh dưỡng; bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cho các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách để tích hợp các can thiệp tới hệ thống dinh dưỡng và thực phẩm vào các kế hoạch bao phủ sức khỏe toàn dân quốc gia, các hệ thống đa ngành và các chính sách tài khóa; và bằng cách làm việc liên tục trong các trường hợp khẩn cấp.

Nguồn: WHO

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận