1. Wolbachia là gì?
Wolbachia là một loại vi khuẩn tự nhiên, tồn tại trong các loài côn trùng như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn,[1] nhưng không có ở muỗi vằn Aedes aegypti – loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi được cấy vào muỗi vằn, Wolbachia có khả năng ức chế hoặc ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của virus sốt xuất huyết.[2]
2. Cơ chế phòng chống sốt xuất huyết của Wolbachia
- Ức chế virus: Wolbachia cạnh tranh tài nguyên trong tế bào muỗi, làm giảm khả năng virus Dengue phát triển và lây truyền sang người.[3]
- Lan truyền tự nhiên: Khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối, thế hệ con đều mang vi khuẩn này, giúp quần thể muỗi mang Wolbachia tăng dần trong tự nhiên mà không cần thả liên tục.
- Giảm số lượng muỗi truyền bệnh: Nếu muỗi đực mang Wolbachia giao phối với muỗi cái không mang Wolbachia, trứng sẽ không nở, góp phần giảm số lượng muỗi truyền bệnh.
3. Hiệu quả thực tế trên thế giới
- Indonesia: Thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng tại Yogyakarta cho thấy, thả muỗi mang Wolbachia giúp giảm 77% số ca mắc sốt xuất huyết và giảm 86% số ca nhập viện do sốt xuất huyết so với khu vực không thả muỗi.[4]
- Brazil, Úc, Singapore: Các dự án quy mô lớn ghi nhận giảm mạnh số ca sốt xuất huyết (từ 38% đến 88%) sau khi triển khai Wolbachia.[5]
- WHO công nhận: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá phương pháp Wolbachia có giá trị sức khỏe cộng đồng trong phòng chống sốt xuất huyết và khuyến nghị mở rộng ứng dụng.[6]
4. Ứng dụng tại Việt Nam
- Thí điểm tại Nha Trang, Bình Dương, Tiền Giang: Các dự án thả muỗi Wolbachia tại Việt Nam cho kết quả khả quan, số ca sốt xuất huyết giảm rõ rệt ở các khu vực triển khai so với các vùng lân cận không áp dụng.[7, 8]
- Kinh tế và an toàn: Nghiên cứu kinh tế cho thấy, triển khai Wolbachia tại các đô thị có gánh nặng sốt xuất huyết cao ở Việt Nam là giải pháp hiệu quả về chi phí, mang lại lợi ích sức khỏe và kinh tế lâu dài.[9]
- An toàn sinh học: Wolbachia chỉ lây truyền ở côn trùng, không gây hại cho người, động vật hay môi trường, không phải là biến đổi gen.[2]
Kết luận
Phương pháp Wolbachia là một giải pháp khoa học tiên tiến, an toàn và hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết. Việc mở rộng ứng dụng phương pháp này hứa hẹn sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Tổng hợp và biên soạn: Ths.BS Lê Minh Đạt (email: lmd@vpha.org.vn)
_________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Ross, P.A., et al., An elusive endosymbiont: Does Wolbachia occur naturally in Aedes aegypti? Ecol Evol, 2020. 10(3): p. 1581-1591.
2. Fox, T., et al., Wolbachia-carrying Aedes mosquitoes for preventing dengue infection. Cochrane Database Syst Rev, 2024. 4(4): p. Cd015636.
3. Mushtaq, I., M.S. Sarwar, and I. Munzoor, A comprehensive review of Wolbachia-mediated mechanisms to control dengue virus transmission in Aedes aegypti through innate immune pathways. Frontiers in Immunology, 2024. 15: p. 1434003.
4. Utarini, A., et al., Efficacy of Wolbachia-Infected Mosquito Deployments for the Control of Dengue. N Engl J Med, 2021. 384(23): p. 2177-2186.
5. Paz-Bailey, G., et al., New solutions against the dengue global threat: opportunities for Wolbachia interventions. International Journal of Infectious Diseases, 2025: p. 107923.
6. Oganization, W.H., GLOBAL STRATEGY FOR DENGUE PREVENTION AND CONTROL. 2012.
7. Giang, C.t.t.đ.t.t.T. Tiền Giang: Hoàn thành giai đoạn thả muỗi trong khuôn khổ Dự án Wolbachia. 2022 [cited 2025 ngày 04 tháng 07]; Available from: https://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?%2Ftien-giang-hoan-thanh-giai-oan-tha-muoi-trong-khuon-kho-du-an-wolbachia%2F46045449.
8. news, K.H. Wolbachia-infected mosquito release shows encouraging results. 2019 [cited 2025 ngày 04 tháng 07]; Available from: https://baokhanhhoa.vn/english/socio_politic/201908/wolbachia-infected-mosquito-release-shows-encouraging-results-8126469/.
9. Turner, H.C., et al., An economic evaluation of Wolbachia deployments for dengue control in Vietnam. PLoS Negl Trop Dis, 2023. 17(5): p. e0011356.